Bài viết chuyên môn

Tìm hiểu về Bạo lực mạng - Làm gì khi mình là nạn nhân của Bạo lực mạng?

Ngày
3/27/2024
Tìm hiểu về Bạo lực mạng - Làm gì khi mình là nạn nhân của Bạo lực mạng?

Bạn bị người khác lan truyền những thông tin tiêu cực trên mạng, bạn bị ai đó mạo danh để thực hiện các giao dịch? Hãy cảnh giác vì có thể bạn đang là nạn nhân của Bạo lực mạng. Hôm nay, các bạn đọc hãy cùng tìm hiểu về vấn đề bạo lực mạng trong bài viết dưới đây cùng CyberKid nhé!

bao-luc-mang-la-gi
Nguồn:

Bạo lực mạng là gì?

Theo UNICEF (2021), Bạo lực mạng, hay còn gọi là bắt nạt trực tuyến, là hành vi bắt nạt trên các công cụ kỹ thuật số. Việc đó có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.

Theo trang stopbullying (2021), Bạo lực mạng là hành vi bạo lực mạng xâm phạm nhiều quyền con người cơ bản đã được bảo vệ bởi luật quốc tế và pháp luật quốc gia thông qua các nền tảng kỹ thuật số, sử dụng các thiết bị số như điện thoại di động, máy tính và máy tính bảng và thể hiện qua tin nhắn SMS, ứng dụng, mạng xã hội, diễn đàn và môi trường trò chơi trực tuyến. 

Bạn có đang là nạn nhân của Bạo lực mạng? Các hình thức phổ biến của Bạo lực mạng

Với sự gia tăng bạo lực mạng tại Việt Nam, người dùng mạng nhận nên nắm rõ các hình thức về Bạo lực mạng để bảo vệ bản thân mình tốt hơn trên Không gian mạng. Hãy cùng tìm hiểu 3 hình thức phổ biến của Bạo lực mạng để nhận diện việc này nhé. 

Thứ nhất, Bạo lực mạng xâm phạm đến quyền riêng tư như phát tán thông tin cá nhân trên không gian mạng với mục đích xấu mà không có sự đồng ý của cá nhân đó. Những thông tin về đời tư, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm, bị phát tán trên không gian mạng có thể khiến nạn nhân bị cộng đồng mạng đàm tiếu, bôi nhọ hay hạ nhục. 

Thứ hai, Bạo lực mạng xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, uy tín của con người như lăng mạ, hạ nhục, bôi nhọ, vu khống hay tung tin sai lệch về một người và khiến nạn nhân bị tổn hại nghiêm trọng về danh dự và uy tín.

Thứ ba, Bạo lực mạng liên quan đến việc truy cập trái phép vào thông tin cá nhân như hack vào email, điện thoại, và các tài khoản trực tuyến, cũng như việc sử dụng phần mềm gián điệp để theo dõi hoạt động trực tuyến của nạn nhân mà không có sự cho phép.

Vì sao Bạo lực mạng lại diễn ra?

Tính ẩn danh của Internet đã góp phần lớn vào sự lan rộng của Bạo lực mạng. Vì tính ẩn danh nên mọi người có xu hướng cảm thấy được bảo vệ trên mạng, từ đó, họ có xu hướng làm những điều táo bạo nếu không có hậu quả. 

Nhu cầu về quyền lực cũng là một nguyên nhân khác. Xu hướng này có thể xuất phát từ sự bất an. Họ có thể cảm thấy thua kém nạn nhân và sử dụng hành vi Bạo lực mạng để hạ nhục nạn nhân, từ đó cảm thấy vượt trội hơn về bản thân.

Hệ quả của Bạo lực mạng

Tác động của Bạo lực mạng tương tự như tác động của bạo lực trực tiếp, chúng bao gồm trầm cảm, lo lắng, cô đơn, thiếu tự tin, thành tích học tập kém và thậm chí là tự làm hại bản thân.

Nạn nhân có thể gặp khó khăn trong việc ngăn chặn bạo lực mạng vì họ khó có thể kiểm soát không gian mạng rộng lớn. Trong một số trường hợp, hành vi quấy rối có thể không dừng lại, đặc biệt nếu nạn nhân không được giáo dục về cách phòng ngừa và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Vậy, phải làm gì khi chúng ta phải đối mặt với Bạo lực mạng?

Phương pháp 1: Ngăn chặn nguồn tin xấu, tài khoản của kẻ bắt nạt

Việc đáp trả bằng thái độ gay gắt và tiếp diễn cuộc trò chuyện có thể chọc giận kẻ bắt nạt. Với nhiều trường hợp, kẻ bắt nạt sẽ càng thích thú khi nạn nhân phản ứng lại.

Tuỳ vào tình huống mà nạn nhân có thể cân nhắc bỏ qua những lời lẽ khiêu khích trên mạng mà hãy chặn tài khoản/ báo cáo tài khoản đó cho nền tảng. Nếu nạn nhân nhận được những email hoặc tin nhắn từ người lạ, hãy xem xét đổi tạm thời sang một địa chỉ email, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội khác. 

Phương pháp 2: Lưu trữ bằng chứng

Căn cứ khoản 2 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử được xem là nguồn của chứng cứ, vậy tài liệu do đương sự vụ án cung cấp là file ghi âm, hay hình ảnh có thể được xem là chứng cứ.

Chính vì thế, khi bị bạo lực mạng, nạn nhân hãy ghi lại bằng chứng của những tin nhắn, bình luận mang tính đe doạ, khiêu khích, gây rối kèm theo thời gian thực xảy ra. Ngoài lưu giữ phiên bản dưới định dạng kỹ thuật số, hãy in ra giấy nếu cần thiết. 

Đây sẽ là minh chứng cho nạn nhân về việc bị bạo lực mạng và những tài liệu này sẽ hữu ích nếu nạn nhân muốn tìm công bằng bằng luật pháp . 

Tuy nhiên để được xem là chứng cứ hợp pháp thì căn cứ theo khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Và căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP quy định các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.

Tại khoản 1 Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định chứng cứ mà đương sự cung cấp phải được chứng minh là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy ảnh chụp màn hình tin nhắn sẽ được xem là chứng cứ hợp pháp trong vụ án dân sự nếu người giao nộp xuất trình được văn bản trình bày về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan đến những tin nhắn trong hình chụp là có căn cứ, đúng sư thật nếu không sẽ không được coi là chứng cứ hợp pháp.

Phương pháp 3: Tìm kiếm biện pháp sơ cứu tâm lý

Nạn nhân thường gặp khủng hoảng tâm lý khi mới bị bạo lực mạng. Các biện pháp sơ cứu tâm lý sẽ giúp nạn nhân bình ổn hơn để nhìn nhận vấn đề thấu đáo và sinh hoạt bình thường trở lại. 

Một nguồn sơ cứu tâm lý quen thuộc là người thân (bố mẹ, anh chị,..) hoặc bạn thân. Nạn nhân cần chọn một thời điểm để nói chuyện mà bản thân được chú ý hoàn toàn, và giải thích mức độ nghiêm trọng của vấn đề đối với bản thân. 

Ngoài ra, các dịch vụ, trung tâm sơ cứu tâm lý, đường dây nóng là một sự lựa chọn phù hợp vì nạn nhân sẽ được trợ giúp bởi những chuyên gia, người có chuyên môn về lĩnh vực tâm lý. Một dịch vụ sơ cứu tâm lý có thể cân nhắc là CyberHotline - giải pháp miễn phí 100% để sơ cứu tâm lý cho những nạn nhân gặp vấn đề trên không gian mạng. 

Phương pháp 4: Báo với người có chức năng xử lý vụ việc 

Trong các tình huống có tính chất nghiêm trọng, nạn nhân nên báo cáo sự việc cho cơ quan Công an địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của Luật An ninh mạng cũng là biện pháp đảm bảo sự an toàn cá nhân trước nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến.

Luật pháp nói gì về Bạo lực mạng?

Tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về hành vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

KẾT

Trên hành trình khám phá về bạo lực mạng, chúng ta đã thấy rõ những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra cho cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, dù vấn đề này có vẻ phức tạp và khó giải quyết, nhưng chúng ta không nên từ bỏ hy vọng.

Chúng ta có thể làm thay đổi bằng cách hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực mạng, xây dựng cộng đồng trực tuyến an toàn và đoàn kết, cũng như thúc đẩy trách nhiệm cá nhân và xã hội, đây đều là những bước cơ bản nhưng quan trọng.

Hãy theo dõi Fanpage CyberKid Vietnam và ebsite cyberkid.org để theo dõi những bài viết tiếp theo để nang cao nhận thức về Bạo lực mạng nhé.