Nếu như bạn đã quá quen thuộc với trò đùa về “Bác sĩ Gu Gồ” với câu chuyện: “Tôi chỉ bị đau đầu nhẹ nhưng Google nói tôi bị ung thư” thì ngày nay đã xuất hiện một vị “bác sĩ mới nổi” mang tên TikTok. Các nội dung chẩn đoán về sức khỏe bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đang rất phổ biến trên TikTok do nhu cầu cập nhật thông tin của người dùng.
Những nội dung này thậm chí còn trở thành trào lưu TikTok khi ngày càng có nhiều người sáng tạo nội dung lựa chọn việc chẩn đoán, chia sẻ vấn đề sức khỏe làm nội dung chủ đạo cho kênh của mình. Tuy nhiên, điều này vô tình gây ra một ảnh hưởng tiêu cực bởi tính xác thực của các dạng nội dung.
Việc “chẩn đoán online” này có gì xấu? Và vì sao chúng ta không tin tưởng tuyệt đối vào nội dung ngắn trên TikTok?
TikTok dựa vào thuật toán đề xuất video nhờ việc thu thập cơ sở dữ liệu người dùng về thói quen và sở thích một cách cá nhân hóa. Nội dung trên nền tảng này đều là nội dung ngắn (short content hay short-formed content). Với mong muốn thu hút sự chú ý, nền tảng sử dụng dạng nội dung này giúp người xem tiếp cận thông tin nhanh, ngắn gọn và không đi vào chi tiết phân tích vấn đề. Điều này vô hình trung khiến người xem dễ hiểu sai về những điều đang được trình bày. (Tham khảo thêm tại bài viết)
Nguồn: Internet
Tại sao chúng ta tin vào nội dung chẩn đoán trên TikTok?
Thống kê toàn cầu của WHO cho thấy 13% dân số thế giới tức hơn 1 tỷ người mắc các vấn đề về rối loạn tâm thần (Mental Health and Substance Use, 2022). Thế nhưng hiện nay có không ít rào cản ngăn họ tiếp nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà họ cần.
Sự kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần, thiếu tin tưởng vào các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu và tin rằng vấn đề của họ không đủ nghiêm trọng để cần được giúp đỡ là một số yếu tố khiến thanh niên không tìm kiếm sự giúp đỡ trực tiếp.
TikTok là nơi trị liệu gần gũi và miễn phí
Chỉ riêng trên TikTok, hashtag #adhd đã có 25 tỷ lượt xem, trong khi #anxiety có 28 tỷ. Hầu hết các video đó không được tạo ra bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Thay vào đó, các người sáng tạo nội dung là “cây nhà lá vườn” – được làm bởi những người không có chuyên môn. Điều này khiến người xem cảm thấy gần gũi, có cảm giác được lắng nghe, chia sẻ. Chính vì vậy, content ngắn về sức khỏe trên nền tảng TikTok như một liều thuốc miễn phí cho các vấn đề tâm lý của chính họ.
Hiệu ứng Barnum (The Barnum Effect)
Hiệu ứng Barnum trong tâm lý học là hiện tượng xảy ra khi các cá nhân tin rằng các mô tả tính cách áp dụng riêng cho họ (hơn là cho những người khác), mặc dù thực tế là mô tả thực sự chứa đầy thông tin áp dụng cho tất cả mọi người. Hiệu ứng này có nghĩa là mọi người dễ cả tin vì họ nghĩ rằng thông tin chỉ là về họ trong khi thực tế thông tin đó là chung chung (Vohs, 2016).
Trong trường hợp chẩn đoán sai trên TikTok sẽ dễ tạo ra hiệu ứng Barnum đánh vào tâm lý người dùng khiến họ càng tin vào lời khẳng định bệnh lý đó đang ứng với tình trạng hiện tại của mình.
Nguồn: Internet
Sự sai lệch trong nội dung chẩn đoán và hệ lụy của nó
Gây hoang mang và tạo bệnh lý giả
Những nội dung ngắn trên nền tảng này sẽ yêu cầu người xem đánh giá xem họ có đang gặp phải các triệu chứng tương tự hay không. Một số thậm chí có thể khẳng định: "Nếu bạn có những triệu chứng này, bạn có thể bị trầm cảm nặng."
Sau khi xem một số video có nội dung tương tự, người xem có thể tin rằng họ cũng mắc chứng trầm cảm và tự chẩn đoán mà không hề hỏi ý kiến chuyên gia. Các nội dung như vậy sẽ liên tục xuất hiện và thổi vào tâm trí người xem về nhận thức sức khỏe tâm lý của họ, gây hoang mang hay thậm chí tạo ra bệnh lý giả cho người xem.
Gây nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần và thể chất
Mặc dù những video này có thể nâng cao nhận thức và giúp định hướng các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng việc tự chẩn đoán có thể gây nguy hiểm cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Hai rủi ro chính là chẩn đoán sai và điều trị sai.
Trong trường hợp trên: người xem có thể mắc chứng trầm cảm, nhưng cũng có thể chỉ là trường hợp lo lắng, áp lực trước những thử thách trong cuộc sống, hoặc có thể họ đang mắc một bệnh nội khoa nào đó như bệnh tim góp phần gây ra các triệu chứng của họ.
Nguồn: Internet
Nhưng một phần khiến cho việc chẩn đoán trở nên phức tạp là cùng một chứng rối loạn có thể biểu hiện rất khác nhau ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn — nói cách khác, cùng một danh sách các triệu chứng không áp dụng cho mọi nhóm tuổi.
Mitch Prinstein, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết chúng ta khó tự nhận thức được một số triệu chứng nhất định, và những triệu chứng này thực sự phải được quan sát bởi các kiểm tra đánh giá khách quan bởi các chuyên viên y tế, nhà trị liệu.
Rủi ro trong việc lựa chọn phác đồ điều trị
Từ việc chẩn đoán sai dẫn đến rủi ro trong việc lựa chọn sai phác đồ điều trị, người xem sau đó có thể cố gắng tự điều trị bằng thuốc không kê đơn hoặc các phương pháp khác có thể làm phức tạp thêm tình trạng thực tế chưa được chẩn đoán của họ. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất nếu sử dụng điều trị hóa dược hay sức khỏe tinh thần khi tiếp tục “ngộ nhận” về tình trạng của bản thân. Từ đó tác động xấu đến chức năng thần kinh và sức khỏe thể chất của người dùng.
Giải pháp: Tin tưởng các chuyên gia
Nguồn: Internet
Nội dung ngắn về chẩn đoán sức khỏe trên nền tảng TikTok không phải lúc nào cũng đúng với tình trạng sức khỏe của tất cả mọi người, thậm chí nếu chẩn đoán sai còn có thể gây nguy hại đến sức khỏe của chính bạn. Nếu bạn cảm thấy bản thân gặp phải bất kỳ triệu chứng nào, bất kể mức độ nghiêm trọng, điều tốt nhất nên làm là tìm kiếm sự trợ giúp từ một chuyên gia có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực để được hỗ trợ chẩn đoán.
Tuy nhiên, các phân tích trên không có nghĩa là TikTok không mang lại một số lợi ích cho cuộc thảo luận tổng thể về sức khỏe tâm thần. Trong những tháng gần đây, TikTok đã ra mắt các tài nguyên về sức khỏe tâm thần trong ứng dụng cho người dùng.
Mặc dù các tài nguyên này không nên thay thế việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp, nhưng chúng mang lại giá trị trong việc truyền bá nhận thức về sức khỏe tâm thần và bắt đầu cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần của chính bạn. Hãy thận trọng khi tiếp nhận các nguồn thông tin để có một trải nghiệm mạng xã hội hữu ích, lành mạnh và vui vẻ bạn nhé!
Chúng ta, chắc hẳn không chỉ một lần, đã "lỡ tay" chốt đơn mua những món đồ không cần thiết khi đang lướt TikTok. Những video ngắn quảng cáo đầy cuốn hút và mới mẻ có thể thôi thúc ham muốn mua sắm trực tuyến của bản thân một cách đáng ngạc nhiên. Bạn có […]
Sau một ngày hoạt động thật năng suất, bạn quay trở về nhà. Điều đầu tiên bạn muốn làm để xả hơi là gì nhỉ? - Một trong số đó chắc hẳn là lướt mạng xã hội. Bước vào thế giới ấy, bạn vô thức tiếp nhận rất nhiều nguồn tin nóng hổi, nhưng cũng […]
Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thay đổi khí hậu,.... là những khủng hoảng đang tàn phá đời sống của nhiều người với tốc độ chóng mặt. Gen Z là một trong những nhóm tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải trưởng thành trong tình hình đầy bất động. Bên cạnh […]