Thiên kiến xác nhận và chú ý có chọn lọc: Bộ đôi quyền lực "thao túng" khiến bạn chỉ thấy những gì mình muốn

Chúng ta thường chú ý đến những thứ củng cố niềm tin hiện có của mình và bỏ qua thông tin mâu thuẫn với những gì mình đã nghĩ. Đây được gọi là sự chú ý có chọn lọc. Nó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chúng ta hình thành thiên kiến xác nhận. Nhất là trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, sự chú ý có chọn lọc ảnh hưởng sâu sắc đến việc chúng ta lựa chọn thông tin mới trên mạng xã hội. Thiên kiến xác nhận “kết đôi” cùng sự chú ý có chọn lọc: bộ đôi quyền lực này bóp méo suy nghĩ, ảnh hưởng đến niềm tin, phán đoán và quyết định mà chúng ta đưa ra hàng ngày.

Sự chú ý có chọn lọc ảnh hưởng đến việc chúng ta tiếp nhận thông tin như thế nào?

Sự chú ý có chọn lọc ảnh hưởng đến việc chúng ta tiếp nhận thông tin
Nguồn: Internet

Khả năng tập trung vào những thông tin quan trọng

Trong tâm lý học con người, sự chú ý có chọn lọc được định nghĩa là “khả năng hoặc quá trình phản ứng với một số kích thích nhất định theo cách có chọn lọc khi một vài sự kiện xảy ra đồng thời”. Nói cách khác, sự chú ý có chọn lọc đề cập đến khả năng tập trung vào các thông tin quan trọng nhất khi có nhiều yếu tố gây mất tập trung khác. Ví dụ như khi đọc một cuốn sách trong một quán cà phê ồn ào: Mặc dù có những cuộc trò chuyện khác đang diễn ra xung quanh nhưng bạn chủ yếu chỉ chú ý đến các từ trên trang sách. 

Chỉ lựa chọn thông tin phù hợp với bản thân

Đặt trong bối cảnh khi hằng ngày, hàng giờ chúng ta phải tiếp nhận một lượng lớn thông tin được truyền tải từ những "cú lướt" mạng xã hội. Ở đó, có rất nhiều lượng thông tin dưới dạng các video hay bài viết mà chúng ta không thể tiếp thu tất cả chúng trong cùng một lúc.

Nói cách khác, trong hàng chục video xuất hiện trên newfeed của bạn, bạn chỉ có thể dừng lại và chú ý xem một vài video mà bạn cảm thấy thích thú. Lý do đến từ việc bộ nhớ làm việc của một người chỉ có thể chứa một lượng thông tin nhất định nên chúng ta thường phải “lọc bỏ”, “sàng lọc” những thông tin không cần thiết. Và thông thường, những bài viết hay các video “giữ chân” chúng ta ở lại thường chứa đựng những thông tin phù hợp với niềm tin và sở thích của chúng ta. 

Dưới đây là một số ví dụ hàng ngày về sự chú ý có chọn lọc:

  • Nghe điện thoại ở chỗ đông người, có nhiều tạp âm
  • Đọc một cuốn sách trên chuyến xe buýt

Tham khảo thêm bài viết: Sự chú ý có chọn lọc: Cách chúng ta lựa chọn thông tin mới trên mạng xã hội

Chúng ta bị ảnh hưởng bởi thiên kiến xác nhận trong thời đại số như thế nào?

ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận trong thời đại số
Nguồn: ILLUSTRATION: ELENA LACEY; GETTY IMAGES

Thuật toán của mạng xã hội lưu trữ và có thể dự đoán nhu cầu tìm kiếm thông tin của chúng ta. Một ví dụ trực quan đó là khi bạn lướt Facebook, nền tảng này liên tục đề xuất các bài viết, video mà bạn có thể quan tâm. Và khi chúng ta bấm nút “thích” thứ gì đó trên mạng xã hội, chúng ta đang tạo ra một hệ sinh thái bao gồm những thông tin được chia sẻ giống với những gì mà bạn đang nghĩ (Halpern & Gibbs, 2013). Thông qua sự thiên vị này, chúng ta thường có xu hướng ủng hộ thông tin giúp củng cố những điều mà mình đã nghĩ hoặc tin tưởng. Điều này dễ làm sai lệch tính khách quan và quá trình ra quyết định của chúng ta. 

Dưới đây là một số ví dụ của thiên kiến xác nhận khi chúng ta dùng mạng xã hội:

  • Chỉ theo dõi những người nổi tiếng trên mạng xã hội chia sẻ quan điểm giống bạn.
  • Chọn các nguồn tin tức trình bày các câu chuyện ủng hộ quan điểm của bạn. 

Tham khảo thêm bài viết: Thiên kiến xác nhận: Niềm tin của bạn liệu có đúng đắn? 

Sự kết hợp của bộ đôi quyền lực "thao túng" trong thời đại số khiến bạn chỉ thấy những gì mình muốn

Sự kết hợp của bộ đôi quyền lực:  thiên kiến xác nhận và chọn lọc có chú ý   ''thao túng''thông tin trong thời đại số
Nguồn: effectiviology

Sự chú ý có chọn lọc là gốc rễ của thiên kiến xác nhận

Giới hạn ghi nhớ thông tin của não bộ khiến chúng ta khó tiếp thu được nhiều thông tin cùng một lúc, buộc bạn phải chọn lọc nội dung để tiếp thu. Quá trình này được gọi là “chú ý có chọn lọc” và thiên kiến xác nhận giống như một "bộ lọc" giúp chúng ta lược bớt những thông tin ít quan trọng và tập trung vào thông tin củng cố niềm tin và quan điểm đã có sẵn trước đó của chúng ta.

Thiên kiến xác nhận là một “lối tắt” trong nhận thức mà chúng ta sử dụng khi thu thập và diễn giải thông tin (Daniel, 1970). Việc đánh giá, ngâm cứu thông tin cần có thời gian và nhiều năng lượng, vì vậy bộ não của chúng ta thường tìm kiếm những lối tắt như vậy để làm cho quá trình này hiệu quả hơn.

Xu hướng chú ý tới những thông tin giống với những trải nghiệm trong quá khứ

Khuynh hướng nhận thức

Khi nói đến nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh, sự chú ý của chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những giải thích dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ của mình. Một ví dụ trực quan khi 10 người cùng mô tả lại một bó hoa. Mỗi người sẽ đưa ra mô tả khác nhau, mặc dù tất cả họ đều đang nhìn vào bông hoa giống nhau. Lý do dẫn đến sự miêu tả khác nhau này đến từ việc mỗi người sẽ chú ý đến những đặc điểm của bông hoa dựa trên trải nghiệm, kiến thức đã từng biết đến về loài hoa này trước đây.

Những niềm tin, cảm xúc và thậm chí cả văn hóa trong quá khứ, tất cả chúng đều đóng một vai trò trong việc sàng lọc nhận thức của bạn (Biggs et al., 2015). Trong tâm lý học, đây là được gọi là khuynh hướng nhận thức (Perceptual Sets) (Allport, 1955).

Tác động của khuynh hướng nhận thức

Khuynh hướng nhận thức có thể tác động đến cách chúng ta giải thích và phản hồi với thế giới xung quanh (giống như việc miêu tả bông hoa) và dần hình thành nên thiên kiến xác nhận. Thông tin mới được bạn coi trọng, đề cao hơn khi chúng phù hợp với niềm tin trước đây của bạn.

Đặt trong bối cảnh con người sử dụng mạng xã hội trong thời đại số, nếu newfeed của bạn hiện lên những bài viết chia sẻ quan điểm khác với văn hoá, trải nghiệm của bạn, bạn thường có thường có xu hướng bỏ qua và rất chán nản mỗi khi chúng xuất hiện. Ví dụ bạn không hứng thú với những video ăn chay vì bạn là “tín đồ” của những món ăn vặt, dần dần bạn có thể sẽ tắt thông báo, hủy theo dõi hoặc thậm chí chặn họ.

Ảnh hưởng của sự chú ý có chọn lọc và thiên kiến xác nhận trong việc lựa chọn thông tin

Góc nhìn hạn hẹp

Sự kết hợp của bộ đôi này có thể dẫn đến một góc nhìn hẹp, nơi chúng ta chỉ xem xét thông tin ủng hộ niềm tin của mình và bỏ qua mọi thứ khác. Điều này có thể hạn chế sự hiểu biết của chúng ta về các vấn đề phức tạp và gây khó khăn cho việc nhìn ra bức tranh toàn cảnh.

Khiến người dùng mạng xã hội dễ ''rơi'' vào bẫy tin giả

Nguồn: Shutterstock.com

Chìa khóa để mọi người chấp nhận tin giả (hoặc chưa được xác minh) là đúng, bất chấp thông tin trái chiều, là do thiên kiến xác nhận. Cụ thể, mọi người tìm kiếm và chấp nhận thông tin xác nhận niềm tin hiện có của họ trong khi bác bỏ hoặc phớt lờ những điều mâu thuẫn với những niềm tin đó. Đặc biệt trong bối cảnh con người đang bị quá tải bởi lượng thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, nếu như chúng ta thiếu tư duy phân tích và chỉ đọc thông tin một chiều thì khả năng bị “sa” vào “bẫy tin giả” là điều rất dễ xảy ra.

Kết luận

Để thoát qua khỏi sự “thao túng” của bộ đôi quyền lực này, chúng ta hãy dành chút thời gian tìm hiểu, và thu thập các nguồn thông tin khác nhau, từ đó so sánh, xem xét và phân tích cẩn thận trước khi đi đến kết luận cuối cùng. Góc nhìn hay quan điểm của bạn có thể sẽ chưa hoàn thiện nhưng sẽ được cân bằng và đa chiều hơn rất nhiều. Mặc dù chúng ta không thể loại bỏ bộ đôi ​​này ra khỏi cuộc sống, nhưng việc nhận thức được tác động của chúng và chú ý đến các nguồn thông tin khác, sẵn sàng lắng nghe và xem xét ý tưởng của người khác có thể giúp bạn đưa ra những lựa chọn chính xác và sáng suốt hơn!

Nguồn tham khảo:

  1. Halpern, D., & Gibbs, J. (2013). Social media as a catalyst for online deliberation? Exploring the affordances of Facebook and YouTube for political expression. Computers in Human Behavior, 29(3), 1159-1168.
  2. Tversky, A., & Kahneman, D. (1974). Judgment under uncertainty: Heuristics and biases. Science, 185(4157), 1124–1131. https://doi.org/10.1126/science.185.4157.1124
  3. Allport, G. W. (1955). Becoming: basic considerations for a psychology of personality. Yale University Press.
  4. Biggs, A. T., Adamo, S. H., Dowd, E. W., & Mitroff, S. R. (2015). Examining perceptual and conceptual set biases in multiple-target visual search. Attention, Perception, & Psychophysics, 77(3), 844–855. https://doi.org/10.3758/s13414-014-0822-0 
  5. Daniel, S. A. (1970). Two kinds of response priming in tachistoscopic recognition. Journal of Experimental Psychology, 84(1), 74–81. https://doi.org/10.1037/h0028937 
Phổ biến
Sức hút của việc mua sắm trực tuyến: Tại sao TikTok lại khiến bạn muốn mua những thứ không cần thiết?

Chúng ta, chắc hẳn không chỉ một lần, đã "lỡ tay" chốt đơn mua những món đồ không cần thiết khi đang lướt TikTok. Những video ngắn quảng cáo đầy cuốn hút và mới mẻ có thể thôi thúc ham muốn mua sắm trực tuyến của bản thân một cách đáng ngạc nhiên. Bạn có […]

Đọc thêm
Digital Detox: Đã Đến Lúc Thanh Lọc Mạng Xã Hội Để Cân Bằng Cuộc Sống

Sau một ngày hoạt động thật năng suất, bạn quay trở về nhà. Điều đầu tiên bạn muốn làm để xả hơi là gì nhỉ? - Một trong số đó chắc hẳn là lướt mạng xã hội. Bước vào thế giới ấy, bạn vô thức tiếp nhận rất nhiều nguồn tin nóng hổi, nhưng cũng […]

Đọc thêm
Khủng hoảng bản sắc cá nhân ở Gen Z: Sự thật đằng sau những hình ảnh "hoàn hảo" trên mạng xã hội

Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thay đổi khí hậu,.... là những khủng hoảng đang tàn phá đời sống của nhiều người với tốc độ chóng mặt. Gen Z là một trong những nhóm tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải trưởng thành trong tình hình đầy bất động. Bên cạnh […]

Đọc thêm
arrow-up-circle linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram
Verified by MonsterInsights