Thiên kiến xác nhận: Niềm tin của bạn liệu có đúng đắn?

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi “Những nhận định của mình đến từ đâu? Liệu nó có chính xác 100%?”. Câu hỏi này càng trở nên phổ biến hơn trong thời đại số khi người dùng Internet dễ rơi vào tình trạng quá tải thông tin, khó xác minh tính chính xác của thông tin, thiên vị niềm tin và để bản thân có những thiên kiến xác nhận.

Thiên kiến xác nhận là gì ?

Thiên kiến ​​xác nhận (Confirmation Bias) xảy ra khi bạn có xu hướng ủng hộ những thông tin giống với thành kiến ​​sẵn có của bản thân (Cherry, 2022). Bạn sẽ có khuynh hướng tìm kiếm các minh chứng để củng cố những kỳ vọng đã có từ trước của bản thân, đồng thời, bác bỏ những minh chứng mâu thuẫn với lập luận của bạn. (APA Dictionary of Psychology, n.d.)

Các loại thiên kiến xác nhận

Thiên kiến xác nhận được chia làm 3 loại cơ bản (Simkus, 2023), bao gồm: Tìm kiếm thông tin thiên vị (Biased attention), Diễn giải thiên vị (Biased interpretation) và Ký ức thiên vị (Biased memory).

Tìm kiếm thông tin thiên vị

Một số cá nhân có xu hướng tìm thông tin một cách phiến diện để phù hợp với giả thuyết sẵn có của họ, hoặc đưa ra những câu hỏi mang tính một chiều khi nghiên cứu (Allahverdyan & Galstyan, 2014).

Ví dụ, khi bạn gõ “Đau đầu là triệu chứng của bệnh gì?”, Google sẽ liệt kê các loại bệnh có biểu hiện đau đầu. Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm thông tin một cách thiên vị như “Đau đầu có phải bị ung thư?”, Google chắc chắn sẽ đưa ra kết quả về các triệu chứng khi mắc ung thư có chứa “đau đầu”. Điều này cho thấy, việc diễn đạt các câu hỏi theo cách phiến diện sẽ khiến các bằng chứng thu thập được mất đi tính khách quan và chỉ phù hợp với giả thuyết của người hỏi. 

Thiên kiến xác nhận: tìm kiếm thông tin thiên vị
Nguồn: Internet

Diễn giải thiên vị

Diễn giải thiên vị xảy ra khi ta dễ dàng chấp nhận các thông tin giống với định kiến vốn có và đánh giá khắt khe hơn đối với thông tin đi ngược với giả thuyết của bản thân (Taber & Lodge, 2006). Các nghiên cứu cho thấy mọi người thường trung thành hơn với niềm tin của họ. Ngay cả khi được cung cấp dữ liệu mới, họ sẽ diễn giải dữ liệu theo cách ủng hộ quan điểm ban đầu của mình (Segal, 2021).

Để hiểu rõ hơn về biểu hiện này, hãy nhìn vào cách các fan hâm mộ “đu” idol. Họ thường ủng hộ những thông tin tốt đẹp về thần tượng và khó chấp nhận khi những khuyết điểm của thần tượng bị lên án trên phương tiện truyền thông. Thậm chí, họ sẽ viết các bài đăng bảo vệ cho thần tượng của mình. Đây chính là một trường hợp điển hình của diễn giải thiên vị. 

Ký ức thiên vị

Để khẳng định và củng cố cho niềm tin sẵn có của mình, nhiều người có khuynh hướng ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc. Loại thiên kiến này được gọi là "hồi tưởng chọn lọc", "ký ức xác nhận" hay "ký ức thiên vị" (Hastie & Park, 1986). Ví dụ, ta bác bỏ khả năng một người có hình xăm là bác sĩ vì ta chưa từng thấy bác sĩ nào có hình xăm trên người. Đây cũng chính là cách ký ức thiên vị giúp hình thành các khuôn mẫu trong xã hội.

 Yếu tố tác động đến thiên kiến xác nhận trong môi trường số 

Thiên kiến xác nhận nên được hạn chế vì nó là một khuynh hướng tìm kiếm thông tin mang tính phiến diện, thiếu khách quan. Tuy nhiên, trên các nền tảng số vẫn đang tồn tại nhiều tính năng góp phần “thổi phồng” những thiên kiến xác nhận của người dùng, bao gồm:

Hiệu ứng “Buồng vang thông tin” (Echo Chamber)

Tác động của thiên kiến xác nhận: echo chamber
Nguồn: Internet

Buồng vang thông tin (Echo Chamber) là một hình thức bóp méo niềm tin, khi những người ở trong “buồng” biết rõ các quan điểm đối lập, nhưng mất niềm tin hoàn toàn vào mọi người ở bên ngoài buồng và từ chối tiếp nhận các ý kiến trái chiều. 

Mạng xã hội như Facebook hay Twitter cũng chính là những chiếc “buồng” như vậy. Những nền tảng này đã tạo môi trường thuận lợi cho việc bóp méo thông tin theo góc nhìn cá nhân, khiến người dùng khó tôn trọng quan điểm đối lập và khó mở rộng tầm nhìn. Mọi người có xu hướng kết bạn với những người có suy nghĩ giống họ, đồng thời, theo dõi các nguồn tin tức mà họ yêu thích. Hậu quả là những người dùng này đang tự đặt mình vào một khuôn khổ mà ở đó, những quan điểm khác biệt so với quan điểm của họ đều bị hạn chế. (Cinelli et al., 2021)  

Thuật toán đề xuất (Recommendation System)

Các mạng xã hội sử dụng rộng rãi các thuật toán đề xuất để lọc nội dung xuất hiện trong nguồn cấp dữ liệu của người dùng (Chakraborty et al., 2016). Hãy thử nhớ lại một ngày khi bạn cần tìm mua một chiếc váy. Ngay lập tức, giao diện Facebook của bạn sẽ xuất hiện nhiều gợi ý về các cửa hàng thời trang có bán mẫu váy giống với mẫu bạn đang tìm. Đây là một ví dụ quen thuộc về thuật toán tối ưu mà mạng xã hội sử dụng để cung cấp nội dung phù hợp với sở thích và củng cố niềm tin của người dùng.

Chính thuật toán cá nhân hóa bảng tin này đã khiến người dùng lún sâu hơn vào “buồng vang thông tin”, chỉ tin vào những thông tin đúng với kì vọng của mình, thay vì tiếp nhận một cách khách quan. (Thornhill et al., 2019)

Tham khảo thêm bài viết: Thiết kế hành vi: Cách mạng xã hội được thiết kế để gây nghiện

Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận đến quá trình suy nghĩ và ra quyết định

Hạn chế và giới hạn suy nghĩ trong khung kiến thức đã biết

Trong môi trường mà các thông tin đều đã được lọc sẵn theo sở thích và quan điểm cá nhân, khả năng cân nhắc và chọn lọc thông tin của người dùng sẽ bị hạn chế. Vì chỉ ưu tiên và chấp nhận thông tin tương thích với quan điểm cá nhân,  người dùng dần thiếu đi kiến thức và hiểu biết toàn diện về các vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời, khi ở trong chiếc buồng eo hẹp của thiên kiến xác nhận, việc chấp nhận thực tế khách quan hoặc các quan điểm khác biệt sẽ trở nên khó khăn hơn đối với người dùng.

Gây ra việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội 

Nhờ thuật toán đề xuất, các nền tảng truyền thông xã hội đã phân cực người dùng bằng cách tập hợp những người có cùng quan điểm, sở thích vào một nhóm, khiến người trong nhóm gia tăng niềm tin vào nội dung được phân phối. Hậu quả là người dùng thiếu đi tư duy phản biện, không kiểm định tin tức sau khi tiếp nhận, từ đó, dễ bị tin vào tin tức giả mạo, đặc biệt là trong một bối cảnh quá tải thông tin. (Del Vicario et al., 2019).

Điển hình cho việc lan truyền thông tin sai lệch là những tin tức giả trong đại dịch COVID-19. Nhiều nhóm người dùng thiếu hiểu biết đã vô tình chia sẻ, tiếp tay cho các thông tin sai sự thật và chống phá nhà nước, làm bùng phát “đại dịch thông tin” khiến nhiều người hoảng loạn, mất ăn, mất ngủ, thậm chí thực hiện sai lệch các quy định và hướng dẫn về phòng chống dịch của nhà nước.

Lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội
Nguồn: Internet

Kết luận

Trong thời đại số hóa, sự phong phú của thông tin đã giúp người dùng tiếp cận và sử dụng thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc dễ dàng truy cập thông tin cũng dẫn đến vấn đề thiên kiến xác nhận. Hiện tượng thiên kiến ​​xác nhận đề cập đến xu hướng của các cá nhân chỉ tìm kiếm và ghi nhớ thông tin ủng hộ cho quan điểm cá nhân của mình.

Để giải quyết vấn đề này, các cá nhân cần trau dồi kỹ năng tư duy phản biện và sẵn sàng thách thức niềm tin của mình. Điều cần thiết là tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, xác minh tính xác thực và phân tích thông tin trước khi chấp nhận nó là sự thật.

Tóm lại, xu hướng xác nhận là một vấn đề quan trọng trong thời đại kỹ thuật số. Nó có thể dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch và đưa ra quyết định kém. Tuy nhiên, với thái độ và cách tiếp cận đúng đắn, các cá nhân có thể khắc phục vấn đề này và đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên phân tích khách quan và tư duy phản biện.

Phổ biến
Sức hút của việc mua sắm trực tuyến: Tại sao TikTok lại khiến bạn muốn mua những thứ không cần thiết?

Chúng ta, chắc hẳn không chỉ một lần, đã "lỡ tay" chốt đơn mua những món đồ không cần thiết khi đang lướt TikTok. Những video ngắn quảng cáo đầy cuốn hút và mới mẻ có thể thôi thúc ham muốn mua sắm trực tuyến của bản thân một cách đáng ngạc nhiên. Bạn có […]

Đọc thêm
Digital Detox: Đã Đến Lúc Thanh Lọc Mạng Xã Hội Để Cân Bằng Cuộc Sống

Sau một ngày hoạt động thật năng suất, bạn quay trở về nhà. Điều đầu tiên bạn muốn làm để xả hơi là gì nhỉ? - Một trong số đó chắc hẳn là lướt mạng xã hội. Bước vào thế giới ấy, bạn vô thức tiếp nhận rất nhiều nguồn tin nóng hổi, nhưng cũng […]

Đọc thêm
Khủng hoảng bản sắc cá nhân ở Gen Z: Sự thật đằng sau những hình ảnh "hoàn hảo" trên mạng xã hội

Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thay đổi khí hậu,.... là những khủng hoảng đang tàn phá đời sống của nhiều người với tốc độ chóng mặt. Gen Z là một trong những nhóm tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải trưởng thành trong tình hình đầy bất động. Bên cạnh […]

Đọc thêm
arrow-up-circle linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram
Verified by MonsterInsights