Sự tập trung lâu bị đánh cắp do nghiện mạng xã hội?

Thói quen xem những video có nội dung ngắn cùng những “phần thưởngdopamine khi lướt mạng xã hội đã khiến chúng ta dần trở thành những “con nghiện” mạng xã hội. Đến nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định nghiện mạng xã hội sẽ đánh mất đi sự tập trung nhưng chắc chắn chúng ta sẽ khó lấy lại được dòng suy nghĩ và sự tập trung như cũ khi đã bị phân tâm bởi mạng xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến sự mất tập trung khi dùng mạng xã hội

Thói quen không ngừng lướt mạng xã hội

Hành động hàng ngày trong cuộc sống khi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài sẽ hình thành nên thói quen. Cơ chế hình thành thói quen được đưa ra trong cuốn sách Atomic Habits (James Clear, 2018).

Ông cho rằng cách chúng ta hình thành một thói quen trong cuộc sống đi qua bốn giai đoạn như sau: Cue (Tín hiệu bắt đầu) - Craving (khao khát) - Routine (Quá trình hình thành) - Reward (kết quả đạt được). Chúng ta có một ví dụ nhỏ như sau để hiểu rõ về nó: Khi làm việc mệt mỏi, bạn muốn giải trí bằng cách tìm đến những video ngắn trên tiktok vì bạn cho rằng khi xem những nội dung này, các tế bào thần kinh không phải xử lý quá nhiều thông tin. Cuối cùng, bạn thấy thỏa mãn vì được giải tỏa căng thẳng và cứ thế không ngừng lướt. 

bốn yếu tố hình thành thói quen gây nên nghiện mạng xã hội
Nguồn: Internet

Trong ví dụ trên, ta có thể thấy 4 yếu tố trong cách hình thành thói quen như sau:

  • Cue (Tín hiệu bắt đầu): khi bạn muốn nghỉ ngơi để tái sinh lại năng lượng làm việc.
  • Craving (khao khát): bạn bắt đầu tìm đến những video trên mạng xã hội để lấp đầy những căng thẳng.
  • Routine (Quá trình hình thành): bạn lướt không ngừng hết video này đến video khác.
  • Reward (Kết quả đạt được): bạn thấy cảm giác thỏa mãn, thích thú khi xem những video ngắn.

Mất bao lâu để thói quen này được hình thành?

Một số nguồn tài liệu cho rằng con người cần 21-28 ngày để hình thành một thói quen mới. Tuy nhiên, không có bằng chứng chắc chắn cho những con số đó. Sự khẳng định rằng thói quen được hình thành trong 21 ngày đến từ cuốn sách mang tên Psycho-Cybernetics (Maxwell Maltz, 1960).

Ông thấy rằng những người cụt chân/tay cần khoảng 21 ngày để quen với việc mất 1 chi. Tương tự, con người cần 21 ngày để điều chỉnh, thích nghi với 1 vài thay đổi trong cuộc sống. Tuy nhiên, thói quen là một hành trình và sự thích nghi của mỗi người là khác nhau, con số 21 có thể là con số tham khảo, không thể là mẫu số chung cho tất cả các trường hợp. 

Thói quen tìm đến những video ngắn khi làm việc căng thẳng được bộ não của chúng ta ghi nhớ. Ban đầu, não của chúng ta chỉ tiếp nhận nội dung ngắn, không đòi hỏi sự kiên trì hay tập trung để xâu chuỗi thông tin. Dần dần, khi phải tiếp cận với những dạng thông tin dài, như đọc một cuốn sách, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, mất kiên nhẫn và nhanh chóng bỏ cuộc.

Đó là lý do vì sao nhiều người phải tăng tốc độ cho những video dài 2-3 tiếng, thích xem những video review phim, review mỹ phẩm chỉ 3-5 phút vì chúng tốn ít năng lượng để “tiêu hoá” hơn rất nhiều.

Vì sao nội dung trên mạng xã hội lại dễ dàng lôi kéo chúng ta ra khỏi deadline?

nghiện mạng xã hội gây xao nhãng
Nguồn: Internet

Khi bạn đang hoàn thành bài tập theo đúng tiến độ bỗng dưng thông báo từ điện thoại xuất hiện, đó có thể là thông báo tin nhắn hội bạn đang bàn tán chủ đề nào đó, thông báo Instagram khi người nổi tiếng mà bạn theo dõi đang livestream.

Những cám dỗ của mạng xã hội đã lôi kéo sự chú ý của bạn hướng về chiếc điện thoại, bạn bắt đầu tò mò và bị kích thích bởi những thông báo mới. Dù đã cố gắng duy trì sự tập trung nhưng bạn vẫn sẽ không khỏi bồn chồn vì sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ những cuộc trò chuyện thú vị của đám bạn, sợ mình sẽ trở thành người “tối cổ”.

Và thế là bạn đã bị mạng xã hội "thao túng"

Cảm giác đó đã thôi thúc bạn gạt deadline đang dang dở sang một bên. Cùng lúc đó, những chán nản trong cuộc sống khiến bạn muốn trốn chạy khỏi thực tại, bạn muốn rời xa sự thất vọng vì bị sếp mắng để tìm đến một vũ trụ khác, vũ trụ không có sự tồn tại của hiện thực, không có những deadline căng thẳng. Và thế là chúng ta đã đắm mình vào mạng xã hội và quên mất việc phải tập trung hoàn thành deadline như đúng kế hoạch.

Chắc hẳn lúc kiểm tra thông báo điện thoại bạn đã tự nhủ rằng, chỉ lướt một chút, một chút thôi rồi sẽ quay trở lại tiếp tục công việc với tâm thế mới. Nhưng cứ lướt một video, bạn lại càng muốn xem nhiều video khác nữa và không thể bỏ chiếc điện thoại xuống. Bạn không hiểu tại sao mình lại dễ dàng bị mạng xã hội “thao túng” như vậy?

Bạn đã từng nghe đến dopamine?

Đó là một loại hormone khiến chúng ta vui vẻ, hưng phấn và kích thích chúng ta tiếp tục duy trì một hành động nào đó. Lượng dopamine trong quá trình hình thành thói quen giống như một chiếc bát úp ngược. Khi mới bắt đầu một hoạt động, dopamine tăng lên dần dần, giữ nguyên và sau đó giảm dần.

Một ví dụ trực quan cho mối liên kết này, đó là khi bạn tập thể dục để giảm cân. Sự mới mẻ ban đầu sẽ giải phóng ra một lượng lớn dopamine để não bộ có cảm giác hưng phấn, muốn tập thể dục.

Tuy nhiên theo thời gian các bài tập không thay đổi sẽ không giải phóng thêm dopamine nữa và sự hứng thú giảm dần. Đây chính là lý do khiến một số người hay đi tập gym hoặc chạy bộ để giảm cân nhưng chỉ có thể duy trì thói quen trong vài tuần là bỏ cuộc.

Quá liều dopamine có thể khiến nghiện mạng xã hội
Nguồn: Internet

Cơ chế "thưởng" dopamine của não bộ

Vậy tại sao khác với khi ta tập thể dục để giảm cân, mạng xã hội lại có thể duy trì lượng dopamine của chúng ta trong một thời gian dài mà không có dấu hiệu từ bỏ? Chúng ta lướt không ngừng và luôn muốn xem tiếp video khác?

Não bộ có xu hướng “thưởng dopamine” khi chúng ta tiếp thu thông tin mới, đặc biệt là khi xem video ngắn (tham khảo bài viết tại đây). Việc liên tiếp xem các video này đồng nghĩa với việc liều dopamine của video trước chưa hết thì liều dopamine tới từ video sau đã ngay lập tức bị kích lên. Điều này khiến bộ não liên tục ở trong trạng thái “phê”.

Vậy nên, mỗi khi chúng ta muốn được thư giãn để tách mình ra khỏi sự mệt mỏi, chúng ta sẽ luôn tìm đến mạng xã hội và những video có tính kích thích mạnh để tìm lại cảm giác “phê” đó. Thói quen ấy khiến chúng ta dần trở thành “con nghiện” mạng xã hội và những video ngắn có đầy “ma lực”.

Tác hại của mất tập trung do nghiện mạng xã hội

Nghiện mạng xã hội ảnh hưởng đến sự tập trung như thế nào?

Việc chúng ta liên tục tìm lại cảm giác “phê” mỗi khi muốn được giải tỏa những cảm xúc mệt mỏi hay việc chúng ta nuông chiều sự tò mò nhất thời của bản thân sẽ dẫn đến khả năng tập trung bị giảm sút. Mạng xã hội khiến sự chú ý của bạn sang những thứ không cần thiết. Ví dụ, bạn chỉ muốn lên Tiktok để tìm kiếm công thức nấu ăn nhưng cuối cùng lại bị “cám dỗ bởi hàng loạt các video ăn uống khác. Kết quả là bạn vừa lãng phí thời gian vừa không có thông tin phục vụ cho mục đích tìm công thức nấu ăn ban đầu.

nghiện mạng xã hội gây mất tập trung
Nguồn: Internet

Bạn cần bao lâu để lấy lại sự tập trung?

Sau khi bị phân tâm, chúng ta sẽ khó lấy lại sự tập trung. Đây sẽ không phải vấn đề to tát nếu như bạn đang làm một việc đơn giản như gấp quần áo nhưng nó sẽ là vấn đề rất lớn nếu như bộ não của bạn đang phải giải quyết một vấn đề phức tạp. Bộ não bị phân tán sự tập trung và phải mất một thời gian để trở lại trạng thái như lúc đầu.

Nghiên cứu của Đại học California, Irvine có tên: “The cost of Interrupted Work: More Speed ​​and Stress” (Gloria Mark, 2008) cho thấy rằng bạn mất trung bình 23 phút 15 giây để trở lại đúng hướng sau khi bị gián đoạn.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi chúng ta chỉ bị phân tâm một vài lần trong ngày, thì cũng sẽ lãng phí mất một giờ làm việc. Dần dần, những công việc chưa hoàn thành do bị mất tập trung sẽ tích tụ vào cuối ngày khiến bạn phải thức cả đêm để hoàn thành cho kịp deadline. Kết quả là bạn sẽ trải qua cảm giác mệt mỏi, trì trệ, kém năng suất vào cả ngày hôm sau.

Kết luận

Mạng xã hội cũng giống như một cốc trà sữa full topping, rất ngon và khiến chúng ta vui nhưng thực ra lại không tốt. Vì nuông chiều sự tò mò, sự vui vẻ nhất thời của bản thân mà chúng ta lại dễ dàng sa đà, đắm chìm vào chúng. Sau khi nhận ra được chiến thuật của kẻ đã “thao túng” thành công sự tập trung của chúng ta, liệu bạn có đủ lý trí để vượt qua những cám dỗ đó?

Phổ biến
Mạng xã hội - Sát thủ vô hình với thói quen ăn uống của giới trẻ

Với giá thành chỉ từ 25.000 - 35.000VNĐ, bạn đã sở hữu được một một cốc kem hoặc trà sữa Mixue thơm ngon. Vì giá cả cạnh tranh nên Mixue dần thu hút được các bạn trẻ. Tuy nhiên, kể từ khi Mixue tung ra món đồ chơi như lật đật, gấu bông, nó đã […]

Đọc thêm
Vì sao nội dung chẩn đoán sức khỏe trên TikTok tai hại?

Rủi ro khi xem nội dung chẩn đoán bệnh tâm lý trên TikTok

Đọc thêm
Chúng ta có thật sự học được điều gì từ #LearnOnTikTok ?

chiến dịch #LearnOnTikTok - khi các nhà sáng tạo nội dung tiếp cận người dùng bằng cách trẻ hoá nội dung giáo dục thành các câu chuyện, thậm chí ảnh memes, khiến những kiến thức này trở nên dễ hiểu, thu hút

Đọc thêm
arrow-up-circle linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram