Hãy tưởng tượng bạn đang tham gia một bữa tiệc nơi có người mà bạn thầm thương trộm nhớ, vậy trong vô vàn thanh âm sôi động kia, bạn sẽ chú ý đến điều gì nhất? Chắc hẳn rất nhiều người sẽ để tâm đến giọng nói và bóng hình của “người đó” rồi, phải không nào? Trên thực tế, hành động chú tâm này được gọi là: Sự chú ý có chọn lọc (Selective attention). Sự chú ý có chọn lọc không chỉ áp dụng khi bạn tham gia tiệc với crush, mà nó còn ảnh hưởng đến cách bạn lựa chọn thông tin trên mạng xã hội. Hãy để CyberKid giải mã điều này giúp bạn nhé!
Sự chú ý có chọn lọc là quá trình điều hướng nhận thức đến các kích thích có liên quan và loại bỏ các kích thích không liên quan trong môi trường sống (Saul, 2023). Đây là một quá trình hữu ích vì não bộ con người bị giới hạn về số lượng thông tin có thể xử lý được tại một thời điểm nhất định, cho phép mọi người tập trung vào những gì quan trọng (Saul, 2023).
Cơ chế hoạt động của sự chú ý có chọn lọc
Chúng ta luôn phải đối mặt với sự tấn công dồn dập của những kích thích trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ như tiếng còi xe inh ỏi khi tắc đường, hay tiếng thầy cô giảng bài xen lẫn tiếng trò chuyện của bạn bè xung quanh. Nhưng chúng ta sẽ không quan tâm đến mọi tác nhân kích thích mà chỉ hướng sự tập trung đến những tác nhân nhất định. Bởi vì chúng ta bị giới hạn về khả năng chú ý cả về độ dài và số lượng, nên chúng ta phải “kén chọn” thứ để tập trung (Kendra, 2022).
Vậy chính xác thì chúng ta làm thế nào để chọn ra thứ cần tập trung và thứ có thể bỏ qua? Sự chú ý có chọn lọc có hai loại: Chọn lọc về mặt thị giác (Selective Visual Attention) và chọn lọc về mặt thính giác (Selective Auditory Attention) (Kendra, 2022).
Mô hình chính mô tả cách hoạt động của sự chú ý chọn lọc thị giác
Có hai mô hình chính mô tả cách hoạt động của sự chú ý chọn lọc thị giác:
Mô hình đèn sân khấu (Spotlight model): Với mô hình này, sự chú ý giống như đèn sân khấu, chỉ soi sáng nhân vật chính của một vở kịch. Nhà tâm lý học William James cho rằng mô hình này có ba cấp độ: tiêu điểm > phần rìa > phần lề. Tiêu điểm là nơi mọi thứ được nhìn rõ ràng và tập trung phần lớn sự chú ý (David, 1990).
Nguồn: Internet
Mô hình ống kính (Zoom-lens model): Mô hình này vẫn giữ ba cấp độ chính của mô hình đèn sân khấu, nhưng nó cho rằng chúng ta có thể tăng hoặc giảm mức độ tập trung giống như ống kính máy ảnh (Daniel, 2012).
Đối với sự chú ý chọn lọc thính giác, nhà tâm lý học Colin Cherry đã thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng và phát hiện ra hiệu ứng "tiệc cocktail" - khi một người có khả năng theo dõi một số cuộc trò chuyện và “tắt âm lượng” những thứ khác (Jeremy, 2022).
Trong những thí nghiệm này, người tham gia sẽ đồng thời nghe hai thông điệp thính giác, với mỗi bên tai một thông điệp. Cherry hỏi những người tham gia chú ý một thông điệp nhất định và nhắc lại thứ họ đã nghe. Ông phát hiện ra rằng những người tham gia có thể dễ dàng nhắc lại một thông điệp, nhưng không thể nhắc lại điều gì ở thông điệp còn lại (Kendra, 2022).
Góc nhìn tâm lý học về sự chú ý có chọn lọc
Mô hình bộ lọc Broadbent
Một trong những lý thuyết sớm nhất về sự chú ý là mô hình bộ lọc của Donald Broadbent. Theo Broadbent, thông tin xuất hiện tại bất kỳ thời điểm nào được đưa vào bộ đệm cảm giác với dung lượng không giới hạn. Sau đó, dựa trên cơ sở các đặc điểm vật lý, thông tin được lựa chọn để xử lý tiếp theo bằng một bộ lọc, các thông tin đầu vào sẽ bị phân hủy nhanh chóng nếu chúng không được xử lý (Broadbent, 1958).
Nguồn: Internet
Mô hình suy giảm của Treisman
Khác với Broadbent, mô hình của Treisman có yếu tố suy giảm thông tin thay vì loại bỏ thông tin không được chọn lọc. Cụ thể hơn, trong các thí nghiệm của mình, Treisman đã chứng minh rằng những người tham gia vẫn có thể xác định được nội dung của thông điệp không được chú ý, cho thấy rằng họ có thể xử lý ý nghĩa của cả những thông điệp được chú ý và không được chú ý (Treisman, 1964).
Thông qua hai mô hình nổi tiếng này, khả năng chú ý hạn chế này có thể được khái niệm hóa thành một nút thắt cổ chai, thứ hạn chế luồng thông tin. Nút cổ chai càng hẹp thì tốc độ chú ý thông tin càng thấp. Điều này chứng mình rằng chúng ta không thể chú ý tới tất cả các kích thích xung quanh cùng một lúc.
Nguồn: Internet
Cách chúng ta lựa chọn thông tin trên mạng xã hội
Sự chú ý của chúng ta phân bổ như thế nào?
Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter ngày càng trở thành một nguồn cung cấp tin tức quan trọng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã tìm hiểu yếu tố thu hút sự chú ý của người dùng đến một số nội dung trong bảng tin và điều gì ảnh hưởng đến việc lựa chọn tin tức.
Một thử nghiệm sử dụng phép đo theo dõi bằng mắt cho thấy sự nhất quán thái độ không ảnh hưởng đến sự phân bổ chú ý với các bài đăng, nhưng người dùng thích chọn các bài đăng, tin tức có nội dung củng cố quan điểm của họ (Michael et al., 2018). Những người tham gia dành nhiều thời gian hơn cho các bài đăng, tin tức từ các nguồn có độ tin cậy cao và chọn đọc chúng thường xuyên hơn.
Thuật toán của mạng xã hội
Với tư cách là một nguồn tin tức, Facebook sử dụng thuật toán cho phép các quan điểm khác nhau về cùng một chủ đề chính trị xuất hiện trên bảng tin của cá nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng mặc dù người dùng Facebook tiếp xúc với nhiều nội dung, họ vẫn chú ý tới các bài đăng tin tức với thái độ nhất quán (Bakshy et al., 2015). Họ kết luận rằng người dùng sẽ lựa chọn tin tức dựa trên nhận định sẵn có của bản thân, điều này hạn chế tiềm năng của Facebook trong việc kết nối mọi người với nhiều quan điểm khác nhau.
Một tính năng quan trọng của mạng xã hội với tư cách là một nguồn tin tức là người dùng có thể thích, chia sẻ và bình luận với các bài đăng. Sự xác nhận mang tính xã hội này thể hiện mức độ phổ biến của các bài đăng, ảnh hưởng đến việc cảm nhận mức độ liên quan của người dùng, và ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn tin tức (Messing & Westwood, 2014).
Một số học giả đặc biệt tập trung vào tác động của “lượt thích” và “chia sẻ” đến việc lựa chọn tin tức. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số lượng lớn tương tác tích cực và tỷ lệ xem cao làm tăng khả năng chọn một bài đăng (Knobloch & Meng, 2005). Điều này chỉ ra rằng người dùng chú ý đến phản hồi từ những người dùng khác và xem xét ý kiến của người dùng mạng khác trong quyết định lựa chọn tin tức của họ.
Có thể thấy rằng khi đứng trước một lượng lớn thông tin trên mạng xã hội, người dùng có xu hướng bị ảnh hưởng bởi tương tác của những người dùng khác đối với một bài đăng.Việc một bài đăng có tương tác vượt trội sẽ khiến người dùng cảm thấy tò mò và nán lại lâu hơn để đọc bài đăng đó.
Kết luận
Để kết luận lại, sự chú ý có chọn lọc trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến việc người dùng tiếp cận thông tin. Những thông tin mà bạn lựa chọn đều phải trải qua một quá trình lọc, việc hiểu rõ về cách thuật toán mạng xã hội và cách nội dung được sắp xếp sẽ giúp bạn chủ động chọn thông tin. Bên cạnh đó, bạn hãy lựa chọn các nguồn tin đáng tin cậy, tìm kiếm thông tin đa chiều và xem xét các quan điểm khác nhau trước khi rút ra kết luận nhé.
Chúng ta, chắc hẳn không chỉ một lần, đã "lỡ tay" chốt đơn mua những món đồ không cần thiết khi đang lướt TikTok. Những video ngắn quảng cáo đầy cuốn hút và mới mẻ có thể thôi thúc ham muốn mua sắm trực tuyến của bản thân một cách đáng ngạc nhiên. Bạn có […]
Sau một ngày hoạt động thật năng suất, bạn quay trở về nhà. Điều đầu tiên bạn muốn làm để xả hơi là gì nhỉ? - Một trong số đó chắc hẳn là lướt mạng xã hội. Bước vào thế giới ấy, bạn vô thức tiếp nhận rất nhiều nguồn tin nóng hổi, nhưng cũng […]
Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thay đổi khí hậu,.... là những khủng hoảng đang tàn phá đời sống của nhiều người với tốc độ chóng mặt. Gen Z là một trong những nhóm tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải trưởng thành trong tình hình đầy bất động. Bên cạnh […]